Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định cam kết tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, thủ tục hành chính để doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam.
Sáng 25/11, tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam-Nhật Bản nâng cao tầm quan hệ, hợp tác cùng phát triển.”
Dự hội nghị, về phía Việt Nam có Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Về phía Nhật Bản, dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản và đông đảo doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Nhật Bản.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết ông vừa có cuộc hội đàm rất thành công với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và hai bên thống nhất ra tuyên bố chung hai nước Việt Nam-Nhật Bản, theo đó khẳng định quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất từ trước tới nay, giữa hai nước có lòng tin chính trị cao, có tình cảm chân thành, tin cậy. Đây là môi trường tốt để thúc đẩy giao lưu, phát triển mọi mặt giữa hai nước, trong đó có hợp tác phát triển kinh tế.
Thủ tướng chia sẻ với các doanh nghiệp Nhật Bản khi Việt Nam phải thực hiện các biện pháp hành chính để phòng chống dịch COVID-19; cảm ơn các doanh nghiệp Nhật Bản đã chia sẻ khó khăn và góp phần cùng Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam không chỉ tiếp tục đầu tư ổn định tại Việt Nam mà còn có kế hoạch mở rộng đầu tư lâu dài, nhất là đối với các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển.
Thủ tướng cảm ơn vì các doanh nghiệp, giới kinh doanh Nhật Bản có niềm tin mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn đối với Việt Nam nói chung và môi trường sản xuất, kinh doanh nói riêng, phù hợp với phương châm của Việt Nam là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam có nhiều điểm nổi bật để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư với số vốn lớn hơn và lâu dài hơn như có môi trường chính trị ổn định; an ninh con người, trong đó có các nhà đầu tư được đảm bảo; con người Việt Nam chăm chỉ, thông minh, linh hoạt, ứng phó với khó khăn hiệu quả; Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về thể chế, thủ tục hành chính để doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam…
Thủ tướng Chính phủ cũng thừa nhận, bên cạnh thuận lợi, còn có những khó khăn phải đối mặt trước những vấn đề mang tính toàn cầu như: dịch bệnh, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, môi trường… Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu.”
Ngoài ra cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang phải tiếp tục cải thiện một số vấn đề nội tại như về thể chế, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực chất lượng cao… Do đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định 3 đột phá chiến lược nhằm khắc phục hạn chế này gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; xác định con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong các doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thể chế; đào tạo nguồn nhân lực; tài chính xanh đầu tư cho phát triển; khoa học, công nghệ; quản trị từ cấp doanh nghiệp, các cấp và quản trị cấp quốc gia…
Thủ tướng kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực như chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng (cứng và mềm), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư làm ăn ổn định, lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam; những khó khăn chỉ là trước mắt, thuận lợi vẫn là cơ bản, lâu dài; với tình hình hiện nay và những nỗ lực cải thiện, tin tưởng các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam; hy vọng thời gian tới sẽ có luồng đầu tư mạnh mẽ hơn từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dự lễ trao hơn 40 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Cũng trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp 3 đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản; tiếp Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro); tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; tiếp Chủ tịch quỹ Nippon; tiếp Tập đoàn MUFG; tiếp Tập đoàn Infrontier…
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng cho rằng với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu…, Việt Nam là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư.
Thời gian qua, do dịch COVID-19 bệnh bùng phát lây lan nguy hiểm, khi chưa đủ điều kiện và giải pháp hữu hiệu, Việt Nam đã phải dùng biện pháp hành chính để phòng, chống dịch. Nay Việt Nam đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Chỉ sau hơn một tháng thực hiện chiến lược này, nền kinh tế đã khởi sắc. Việt Nam sẽ mở cửa dần dần nền kinh tế, các đường bay để hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng cảm ơn sự tin tưởng và những nỗ lực của các đối tác Nhật Bản, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Nhật Bản như hiện nay, trong đó có các thành tựu trong hợp tác kinh tế; mong muốn tiếp tục đóng góp cùng Chính phủ hai nước đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Tiếp Tập đoàn SMBC, doanh nghiệp đã đóng góp 1 triệu USD cho phòng chống COVID-19 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng Tập đoàn SMBC và VPBank đã hoàn tất thành công thương vụ đầu tư vào FE Credit vào cuối tháng 10 vừa qua và tin tưởng sự góp mặt của SMBC thông qua Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC sẽ là nhân tố mới, đóng góp vào sự tăng trưởng thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ Việt Nam hoan nghênh sự có mặt của các nhà đầu tư uy tín, dày dạn kinh nghiệm như Tập đoàn SMBC, mong muốn SMBC sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung./.
Theo VN+
Leave a reply