Kinh tế tuần hoàn là một nền kinh tế tốt hơn cho tất cả chúng ta
Nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là nền kinh tế bảo tồn các yếu tố đầu vào. Chất thải được giảm thiểu và tài nguyên được tái sử dụng thay vì được xử lý như chất thải sau lần sử dụng đầu tiên. Mục tiêu là phá vỡ mối liên hệ tuyến tính giữa tăng trưởng kinh tế và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để nền kinh tế toàn cầu của chúng ta không bị ràng buộc với sự tàn phá môi trường
Nền kinh tế hiện tại là một hệ thống tuyến tính với đặc điểm các nguyên liệu được lấy từ tự nhiên, chế tạo thành sản phẩm và sau khi sử dụng thì bị vứt bỏ. Nền KTTH xem xét tất cả các công đoạn trên toàn chuỗi cung ứng để có thể sử dụng ít tài nguyên nhất ngay từ đầu, lưu thông tài nguyên càng lâu càng tốt, sử dụng tối đa giá trị của tài nguyên, đồng thời thu hồi và tái tạo sản phẩm khi hết thời gian sử dụng. Cách hiểu mới này đòi hỏi thiết kế sản phẩm bền lâu, dễ dàng tháo dỡ và tái chế.
Nền KTTH dựa trên ba nguyên tắc chính, được giải thích bởi Quỹ Ellen MacArthur, một trong những tổ chức chính thúc đẩy mô hình kinh tế này trên toàn thế giới:
Thiết kế loại bỏ chất thải và ô nhiễm: Trong mô hình kinh tế tuyến tính các phương pháp quản lý chất thải tập trung vào các kịch bản xử lý cuối vòng đời. Một sản phẩm hết hạn sử dụng sẽ được thay thế bằng sản phẩm mới hơn và trở thành chất thải. Thay vì thiết kế các sản phẩm phải thải bỏ khi kết thúc sử dụng, cần biến chúng thành các nguồn tài nguyên và vật liệu có thể được phục hồi và quay trở lại sử dụng trong chu trình vật chất. Bằng cách thay đổi tư duy coi chất thải là một sai sót trong thiết kế và khai thác các vật liệu và công nghệ, có thể đảm bảo không phát sinh chất thải và ô nhiễm.
Giữ cho sản phẩm và nguyên vật liệu được sử dụng càng lâu càng tốt: Có thể thiết kế một số sản phẩm và thành phần để chúng có thể được tái sử dụng, sửa chữa và tái sản xuất. Nhưng làm cho mọi thứ tồn tại lâu hơn chỉ là một phần của giải pháp, cần có khả năng sử dụng tài nguyên để đưa chúng quay trở lại hệ thống mà không bị chôn lấp. Điều này đặc biệt thích hợp cho các vật liệu và tài nguyên có tuổi thọ ngắn như thực phẩm và bao bì, có thể gây ra một lượng lớn chất thải nếu không có quy trình thu hồi tài nguyên thích hợp.
Tái tạo các hệ thống tự nhiên: Trong tự nhiên, không có khái niệm lãng phí, mọi thứ đều theo chu trình. Tất cả các chu trình tự nhiên tuyệt vời như: các bon, oxy, nitơ, nước… đều hoạt động theo các vòng khép kín mà ít hoặc không mất tài nguyên trong chu trình của chúng. Nền KTTH nhằm mục đích bắt chước các chu trình tự nhiên này, tạo ra một mô hình kinh tế bảo vệ, hỗ trợ và tích cực cải thiện môi trường của chúng ta. Điều này đặc biệt áp dụng cho các vật liệu hữu cơ, mà từ lâu trong nền kinh tế tuyến tính đã được xử lý như chất thải, không chỉ gây lãng phí nước và năng lượng được sử dụng để xử lý mà còn tạo ra các tác động tiêu cực đến môi trường do các vật liệu hữu cơ bị phân hủy. Bằng cách trả lại các chất dinh dưỡng quý giá cho đất và các hệ sinh thái khác thay vì đưa nó ra bãi rác, chúng ta có thể tăng cường tài nguyên thiên nhiên của mình.
Có 3 cách để hướng tới nền KTTH: (1) Tiêu thụ ít hơn, đối với người tiêu dùng, điều này có nghĩa là lựa chọn các phiên bản sản phẩm đã được sản xuất theo những cách bền vững hơn hoặc có thể được tái chế; (2) Tiêu dùng tốt hơn, có nghĩa là tránh mua đứt mà nên chuyển sang các mô hình tuần hoàn như nền tảng chia sẻ hoặc sử dụng dịch vụ truyền thông trực tuyến; (3) Tạo thay đổi có hệ thống để toàn bộ nền kinh tế được xây dựng theo mô hình tận thu.
Cần phải có chính sách khuyến khích hoặc yêu cầu sử dụng nguyên liệu thứ cấp hoặc tái chế, ví dụ bằng cách đánh thuế đối với các sản phẩm chỉ sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên. Đồng thời phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng để việc tái chế có thể được mở rộng hoặc thậm chí là bắt buộc. Khi Chính phủ đưa ra ngày càng nhiều các chính sách khuyến khích tái chế, tái sử dụng, và khi nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững tiếp tục tăng lên, các công ty áp dụng mô hình KTTH nhận thức rõ ràng lợi thế kinh doanh của mình.
Cần có cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý để hỗ trợ chuyển đổi sang nền KTTH
Trong vài năm qua, khái niệm KTTH đã trở nên phổ biến vì được coi là một giải pháp để giải quyết những lo ngại về áp lực gia tăng trên toàn cầu đối với tài nguyên cũng như để dung hòa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Các lợi ích kinh tế tiềm năng phát sinh từ việc sử dụng ít năng lượng và nguyên liệu đầu vào đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Trong nhiều trường hợp, lợi ích kinh doanh được thúc đẩy nhờ các cơ hội thương mại được tạo ra từ các mô hình kinh doanh đột phá mới, chẳng hạn như mô hình chia sẻ sản phẩm và dịch vụ.
Tuy nhiên, chuyển đổi sang nền KTTH không dễ dàng. Cả doanh nghiệp và tổ chức tài chính đều gặp phải những rào cản khó khăn trong tìm kiếm vốn cho các dự án KTTH. Rủi ro đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu là do không có đủ các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế, tái sử dụng và thiết kế công nghệ sinh thái.
Thách thức chính khi chuyển đổi sang nền KTTH là năng lực nhận thức và đánh giá đúng các rủi ro. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này, đặc biệt là cần ban hành các cơ chế khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các thực hành tuần hoàn. Chính sách khuyến khích thường là các cơ hội liên quan đến việc giải quyết các rào cản khi thực hiện KTTH, có tính chất hệ thống chung hoặc theo ngành cụ thể.
Theo chính sách của châu Âu (EU) các biện pháp khuyến khích KTTH được chia thành các loại chính sau:
Khuyến khích công nghệ nhằm tăng tốc độ phát triển các giải pháp và đổi mới công nghệ khác nhau cho nền KTTH.
Khuyến khích giáo dục nhằm nâng cao kiến thức và nhận thức về hiệu quả tài nguyên và KTTH, về sự cần thiết và lợi ích của cách tiếp cận tuần hoàn thay vì cách tiếp cận tuyến tính đối với sản xuất và tiêu dùng.
Khuyến khích xã hội nhằm thu hút người tiêu dùng và xã hội nói chung trong nền kinh tế tuần hoàn. Các chiến dịch và các công cụ nâng cao nhận thức khác nhau có thể được sử dụng để thu hút người tiêu dùng nhiều hơn trong việc sửa chữa và tái sử dụng sản phẩm.
Khuyến khích luật pháp ban hành các quy định liên quan đến việc thực hiện KTTH. Ví dụ thiết kế sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, mua sắm công xanh.
Khuyến khích thể chế bao gồm các biện pháp chính sách, chiến lược, lộ trình nhằm thúc đẩy thực hiện nền KTTH.
Khuyến khích tạo thị trường cho các nguyên liệu thô thứ cấp, các sản phẩm đã qua sửa chữa, tái sử dụng và tái sản xuất.
Khuyến khích tài khóa như thuế, trợ cấp, tài trợ và nội bộ hóa chi phí ngoại nghiệp. Trước hết nên xác định và loại bỏ các khoản trợ cấp có hại cho môi trường.
Khuyến khích bố trí sắp xếp các ngành công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và quan hệ cộng sinh trong kinh doanh tuần hoàn. Việc tạo điều kiện và kích hoạt sự hợp tác trong chuỗi giá trị là cần thiết để gắn kết lợi ích của các đối tác.
Có biện pháp khuyến khích mang tính tích cực, chẳng hạn như giảm giá cho các sản phẩm thứ cấp, giảm thuế; đồng thời có biện pháp khuyến khích mang tính tiêu cực, ví dụ như phạt hành vi gây ô nhiễm, nộp phí “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Phần lớn các biện pháp khuyến khích thực hiện KTTH là tích cực, tuy nhiên một số khuyến khích bao gồm cả khía cạnh tích cực và tiêu cực, ví dụ các chương trình ký quỹ thu gom sản phẩm thải bỏ có thể là tự nguyện nhưng nếu không tham gia sẽ bị đánh thuế gia tăng vào sản phẩm.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền KTTH đòi hỏi các biện pháp thận trọng nhưng mang tính quyết định để hướng nguồn tài chính theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn. Vào năm 2017, Ủy ban châu Âu đã thiết lập nền tảng hỗ trợ tài chính nền kinh tế Thông tư (The Circular Economy Finance Support Platform), nhằm tăng cường mối liên kết giữa các công cụ hiện có và tạo khả năng phát triển các công cụ tài chính mới cho các dự án chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Nền tảng này có sự tham gia của các đại diện từ Ủy ban châu Âu, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), các Ngân hàng Phát triển Quốc gia (NPBIs), các nhà đầu tư tổ chức và các bên liên quan khác, đồng thời được hỗ trợ từ một nhóm chuyên gia tư vấn. Khái niệm Tài chính KTTH dùng để chỉ công cụ tài chính trong đó các khoản đầu tư sẽ được áp dụng riêng để tài trợ hoặc tái cấp vốn, một phần hoặc toàn bộ, cho các công ty hoặc dự án đủ điều kiện mới tham gia hoặc đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn các công cụ kinh tế, chẳng hạn như bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, huy động nguồn tài chính tư nhân để hỗ trợ nền KTTH, ưu đãi thuế môi trường, cho phép các quốc gia thành viên sử dụng thuế suất giá trị gia tăng (VAT) để thúc đẩy các hoạt động KTTH hướng đến người tiêu dùng cuối cùng, đặc biệt là hoạt động dịch vụ sửa chữa. Ví dụ các khuyến khích như: (1) Áp giá cao hơn đối với các sản phẩm được sản xuất có hại cho môi trường; (2) Hỗ trợ gia tăng lợi ích tài chính cho các công ty sử dụng tài nguyên bền vững và hiệu quả.
Trung Quốc đã thực hiện các ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy nền KTTH bằng cách giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp tái chế tài nguyên trong quá trình sản xuất. Bắt đầu từ năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều hình thức ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với việc tái sử dụng chất thải thông thường. Bộ Tài chính và Cục Thuế Nhà nước Trung Quốc đã ban hành “Danh mục ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ lao động liên quan đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên” nhằm cung cấp một danh sách đầy đủ hàng hóa và sản phẩm hỗ trợ tái sử dụng và tái chế trong các ngành công nghiệp. Dựa trên các chính sách trước đây về hoàn lại tiền cho nguyên liệu có thể tuần hoàn, chính sách thuế giá trị gia tăng năm 2015 của Trung Quốc đã tạo ra các ưu đãi thuế cho nhiều lĩnh vực thay đổi phương thức kinh doanh trong chuỗi cung ứng và đổi mới cách thức sản xuất.
Các cơ chế khuyến khích tài chính và phi tài chính (như thúc đẩy mua sắm công xanh, cộng sinh công nghiệp) đều giúp các doanh nghiệp vượt qua chi phí trả trước ban đầu khắc phục các trở ngại ngăn cản sự chuyển đổi và ngăn cản các sản phẩm tuần hoàn lưu thông trên thị trường. Cộng sinh công nghiệp là sự hợp tác nâng cao giữa các bên trong nền kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp tham gia vào giải pháp này có thể tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu… trong quá trình sản xuất kinh doanh, do đó có thể thu hồi các chi phí liên quan đến đầu tư xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Các chính sách cắt giảm thuế, hoàn thuế sử dụng tài nguyên và trợ cấp tài chính có tác dụng tích cực kích thích sự phát triển của cộng sinh công nghiệp.
Việc sử dụng thông minh các cơ chế khuyến khích này sẽ giảm thiểu thiệt hại về môi trường và tạo ra các cơ hội kinh tế thông qua sử dụng hiệu quả hơn các nguyên liệu thô và nguyên liệu thứ cấp, cũng như áp dụng các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy hiện thực hóa nền KTTH và đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
TS. Lê Hoàng Lan
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2021)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Teuvo Uusitalo, Elina Huttunen-Saarivirta, Jyri Hanski, Maria Lima-Toivanen, Jouko Myllyoja, Pasi Valkokari (2020) – Policy Instruments and Incentives for Circular Economy. Final report
- EU Circular Economy Action Plan 2020
- Ellen Macarthur Foundation (2020)- Financing the circular economy. Capturing the opportunity
- World Business Council for Sustainable Development (2019) – Policy Enablers to accelerate the circular economy
Nguồn: http://tapchimoitruong.vn/dien-dan–trao-doi-21/kinh-te-tuan-hoan-va-co-che-khuyen-khich-chuyen-doi-sang-nen-kinh-te-tuan-hoan-25558
Leave a reply