Sự phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại – dịch vụ ở vùng đất mới Hậu Giang ngày càng gia tăng, từ đó làm cho môi trường sống bị tác động. Vì thế, xây dựng một Hậu Giang xanh, phát triển hài hòa giữa môi trường sống là cần thiết.
Thời gian qua, Hậu Giang luôn quan tâm tạo mảng xanh từ đường nội thị đến vùng nông thôn.
Tạo thành nơi đáng sống
Có một lần, trong buổi họp cùng với các sở, ban, ngành, Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu chia sẻ: “Nhà tôi thì ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cứ mỗi chuyến về thăm nhà và quay lại Hậu Giang để làm việc, khi xe về đến Hậu Giang tôi cảm nhận được không khí thật sự trong lành, làm cho tôi rất thoải mái”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sự phát triển kinh tế – xã hội ngày càng cao sẽ tác động đến môi trường, do đó để bảo vệ môi trường sống thì hãy cùng hành động giữ gìn, bảo vệ, nâng cao ý thức của người dân trong việc tạo môi trường sống trong lành và hãy xây dựng Hậu Giang là nơi đáng sống.
Chuỗi từ sản xuất đến bàn ăn được gia đình ông Phong thực hiện để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đúng với câu nói “đất lành chim đậu”, với không khí ôn hòa, ít chịu tác động bởi thiên tai, Hậu Giang đã và đang trở thành quê hương thứ hai của nhiều người. Ông Trần Tụy, ở khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết trước đây quê ông ở phường Tây Thường, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào đây làm việc và sinh sống trên 40 năm nay. Ông nhận thấy người dân ở miền Tây nói chung và Vị Thanh nói riêng rất thật thà, chất phác thân thiện. Đặc biệt, ở miền Nam đất đai rộng rãi, lúa, cá, trái cây trù phú quanh năm nên rất dễ sống. Khi sinh sống ở đây, từ trước đến nay cả gia đình ông luôn nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp.
Đặc biệt, phong trào ngày Thứ bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh được thực hiện đã góp phần cho Hậu Giang mỗi ngày có nhiều cây xanh, hoa, kiểng mọc lên tạo nên mảng xanh từ thành thị đến nông thôn. Ông Trang Ích Hoa, Chủ tịch UBND phường I, thành phố Vị Thanh, phấn khởi cho biết: Năm 2015, phường I được công nhận là phường văn minh đô thị. Để giữ vững danh hiệu này, trong 5 năm qua, tập thể phường cùng với các hội, đoàn thể phường hàng tuần ra quân dọn dẹp vệ sinh quanh các tuyến đường, công viên, khơi thông dòng chảy, nhờ đó bộ mặt đô thị của phường trung tâm thành phố luôn được sạch đẹp.
Các sản phẩm của làng nghề đan đát thủ công, thân thiện với môi trường ở huyện Vị Thủy được khách hàng yêu thích.
Những năm qua, trong việc mời gọi đầu tư, một trong những vấn đề tỉnh luôn đặt ra đối với nhà đầu tư là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Bà Lê Thị Kim Diệu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: Vấn đề bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, ngành luôn yêu cầu phải thực hiện đúng quy định. Để tiến tới xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp, UBND tỉnh đã xây dựng và trình HĐND tỉnh thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao cảnh quan môi trường để tạo cho Hậu Giang thật sự là nơi đáng sống.
Gắn với phát triển kinh tế xanh
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng phát triển kinh tế phải song hành với đảm bảo về môi trường. Đây là mục tiêu, hành động của tỉnh đã và đang thực hiện để xây dựng nền kinh tế bền vững. Điển hình trong kêu gọi đầu tư dự án, tỉnh luôn ưu tiên các dự án công nghệ cao, theo tiêu chuẩn an toàn, sạch, thân thiện với môi trường, thông minh, giảm phát thải khí nhà kính…
Hậu Giang chọn hướng phát triển kinh tế xanh được xem là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu. Lựa chọn nền kinh tế xanh là phương án tối ưu cho sự phát triển bền vững và hiện nay ý thức trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường luôn được nâng cao trong Nhân dân. Ông Nguyễn Thanh Phong, ở khu vực 5, phường V, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Trong chăn nuôi cá, gia đình luôn nuôi theo hướng an toàn và bảo vệ môi trường. Cụ thể, các chất thải từ ao nuôi cá thát lát cho thải qua ao nuôi cá tra và cá sặc rằn, còn chất thải từ nuôi cá tra và sặc rằn được lấy lên bón cho cây trồng, nhờ vậy giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hơn trong sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiểu ô mhiễm môi trường”.
Không chỉ chú trọng an toàn sản phẩm trong sản xuất, để đúng nghĩa là một Hậu Giang xanh trong tương lai, hiện nay một số nơi trong tỉnh còn vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ mộc mạc, bình dị với ruộng lúa bát ngát, từng con kênh, rạch nặng phù sa, cuộc sống yên bình và sự hiếu khách của người dân địa phương. Đây là những lợi thế mà tỉnh đang khai thác phát triển kinh tế du lịch theo hướng kinh tế xanh, như làng trầu Vị Thủy, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, khu rừng tràm Vị Thủy, chợ nổi Ngã Bảy, khu di tích Chiến Thắng Chương Thiện, Đền thờ Bác Hồ, công viên Xà No, khu di tích Chìa Khóm…
Theo ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đồng thời cải thiện cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh Hậu Giang, trên cơ sở đề án Hậu Giang xanh, tỉnh sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường trên địa bàn. Mục tiêu nhằm từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn, hướng đến một Hậu Giang xanh. Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới, cách làm hay của các hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc trong việc phân loại, thu gom rác, ủ rác hữu cơ làm phân bón, trồng hoa trên các tuyến đường đã lan rộng và mang lại hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ môi trường.
Với Đề án Hậu Giang xanh, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Phấn đấu 50% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom và xử lý tập trung hoặc xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, riêng các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên. Phấn đấu 100% tuyến đường xã, liên xã được trồng cây xanh. Cải tạo cảnh quan môi trường trụ sở, cơ quan, trường học, công viên, nơi công cộng. Phấn đấu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường… |
Nguồn: http://www.baohaugiang.com.vn/kinh-te/huong-den-hau-giang-xanh-95632.html
Leave a reply