XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU SINH KHỐI, VÙNG NGUYÊN LIỆU LÚA GẠO HỮU CƠ.
Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước, hạt gạo gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới nền kinh tế, việc đề ra các chiến lược kinh tế mới và các giải pháp cải thiện hoạt động sản xuất và kinh doanh là đặc biệt quan trọng. Đối với Việt Nam là một nước đi lên từ nền nông nghiệp, với hơn 70% dân số hoạt động trong khu vực kinh tế nông nghiệp thì hoạt động xuất khẩu gạo được coi là hướng chiến lược và càng cần chú ý. Từ năm 1989 đến 2021, hơn 30 năm hạt gạo Việt Nam góp mặt vào thị trường toàn cầu, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo, chuyển sang xuất khẩu. Dần dần ngành gạo xuất khẩu vươn mình lớn mạnh, trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Sự chuyển mình của ngành xuất khẩu lúa gạo Việt Nam được cả thế giới nhìn nhận và xem như một kỳ tích.
Hiện nay, năng suất lúa bình quân của nước ta ước đạt gần 6 tấn/ha. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo. Gạo được xuất khẩu sang hơn 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Á chiếm 77%, châu Mỹ 7,6%, Trung Đông 1,2% và châu Úc 0,88%. Đến thời điểm này, cả nước có gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng có tới 80% số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu và trung bình, chỉ khoảng 20% số doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định. Nhìn vào những con số này có thể thấy, gạo xuất khẩu của nước ta mới chỉ phục vụ các thị trường dễ tính với yêu cầu chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp. Lượng gạo xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Úc, châu Mỹ hay châu Âu vẫn còn rất ít, thậm chí vắng bóng.
Nguyên nhân của tình trạng này là chất lượng gạo của Việt Nam thấp, lại hoàn toàn chưa có thương hiệu. Điều này bắt nguồn từ thực trạng sản xuất, tiêu thụ và chế biến gạo của nước ta. Hiện nay, diện tích trồng lúa chất lượng cao tại các địa phương vẫn còn hạn chế, nông dân cũng chưa quen với việc thay đổi từ trồng lúa thường năng suất cao sang trồng lúa chất lượng cao mà năng suất giảm đi. Một phần vì họ lo ngại giá lúa bấp bênh, không đủ bù chi cho đầu vào. Phần khác, với tâm lý ngại tiếp cận cái mới, nông dân muốn trồng những giống lúa truyền thống đã có kinh nghiệm canh tác nhiều năm với đặc tính dễ trồng và năng suất cao. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, khi thu mua lúa, nhiều trường hợp cũng không có sự phân biệt về giá giữa lúa thường và lúa chất lượng cao cho nên không tạo ra động lực thay đổi giống lúa từ phía nông dân.
Từ những thực trạng trên về tình hình xuất khẩu lúa gạo giá thành còn thấp, không đảm bảo chất lượng thì dự án “xây dựng vùng nguyên liệu sinh khối, vùng nguyên liệu lúa gạo hữu cơ” của chúng tôi tại tỉnh Hậu Giang sẽ giải quyết được các vấn đề trên. Dự án đặt nền tảng phát triển xanh bền vững ngành sản xuất lúa gạo gắn với chế biến và phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Hậu Giang và Đồng bằng sông Cửu Long. Cung cấp lương thực thực phẩm hữu cơ cho người dân tỉnh Hậu Giang và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong tương lai có thể đẩy mạnh hơn xuất khẩu gạo và thực phẩm hữu cơ khác từ tỉnh Hậu Giang và Đồng bằng sông Cửu Long. Xử lý các chất thải hữu cơ trong nông nghiệp bao gồm cả rơm trấu của ngành trồng lúa và các chất thải nông nghiệp chăn nuôi khác, tạo ra nguồn phân hữu cơ cho nông nghiệp hữu cơ phát triển xanh bền vững tại tỉnh Hậu Giang và Đồng bằng sông Cửu Long, bằng hệ thống biogas, để vừa sản xuất phân hữu cơ, vừa sản xuất điện năng và nhiệt năng.
– Dựa vào các số liệu về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL và Tỉnh Hậu Giang nói riêng. Chúng Tôi xác định được tính cấp bách, quan trọng của quy hoạch vùng nguyên liệu cũng như tầm quan trọng của vấn đề đối với sự phát triển vùng, và nếu cách xây dựng quy hoạch tốt sẽ gỡ một nút thắt mãn tính cho đồng bằng .
– Quy hoạch vùng nguyên liệu tại Tỉnh Hậu Giang là phương án tối ưu hóa sự phân bổ nguồn lực trên địa bàn ĐBSCL. Góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân, gắn kết quan hệ với các vùng lãnh thổ khác trong cả nước như Tp. Hồ Chí Minh và các Khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Và còn phát huy tác dụng khi các quốc gia bước vào giai đoạn phục hồi sau “cú sốc” Covid-19.
Chúng tôi tin tưởng và cam kết rằng với năng lực tài chính vững mạnh, đội ngũ chuyên gia đầu ngành, sự đột phá về công nghệ, cộng hưởng sự đồng lòng giúp đỡ của Quý trường, chiến lược phát triển kinh tế xanh bền vững, tuần hoàn tại Hậu Giang sẽ thành công và là cơ sở mang lại những thành tựu vô cùng to lớn trên các phương diện “Phát triển kinh tế toàn diện từ nền tảng nông nghiệp, phát triển sinh kế người dân, gắn chặt với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội”. Đồng thời hình thành nền móng vững chắc cho cả một chiến lược phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, thậm chí có tầm ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong phạm vi quốc tế, nâng tầm địa vị và vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.
Điều khoản sử dụng | Chính sách bảo mật
Bản quyền thuộc về THD VIỆT NAM