Doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo cũng là một giải pháp mang tính đột phá. Qua đó, nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Chú trọng kết nối doanh nghiệp và nhà trường
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp”.
Tại hội thảo, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động Trần Thị Lan Anh cho rằng, nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi…Vì vậy, tổ chức đại diện người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thông qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo người lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và người sử dụng lao động.
Vụ trưởng Đào tạo Chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Vũ Xuân Hùng cũng cho biết, năm 2021, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng các hoạt động đào tạo vẫn duy trì thực hiện nhằm cung ứng nguồn nhân lực lao động cho các doanh nghiệp và thị trường lao động. Từ đó, góp phần làm giảm nguy cơ thiếu hụt nhân lực lao động khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
“Đặc biệt trong bối cảnh việc tổ chức đào tạo, nhất là đào tạo thực hành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vai trò của doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức đào tạo, tiếp nhận người học đến thực hành, thực tập càng trở nên hết sức quan trọng. Việc này đồng thời cũng tạo ra một lực lượng lao động cho doanh nghiệp khi mà thị trường lao động đang chịu nhiều biến động do làn sóng dịch chuyển lao động do dịch bệnh”, ông Hùng nhấn mạnh
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng kết nối các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đào tạo.
Tổng cục đã phối hợp Công ty Daikin Việt Nam tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kỹ thuật viên máy lạnh và điều hòa không khí theo tiêu chuẩn của Daikin cho giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, với tổng số 40 người trong hai năm 2020-2021.
Ngoài ra, cơ quan này phối hợp Tập đoàn Hoàng Long xây dựng mô hình dịch chuyển lao động quốc tế, tuyển dụng hơn 30.000 lao động chất lượng cao để làm việc trong các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, ký kết hợp tác với Tập đoàn Sun Group trong việc hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng, giải trí, xây dựng…
Có thể thấy, việc phối hợp doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề giúp doanh nghiệp có nguồn lao động như mong muốn, tăng nhân lực lao động cho doanh nghiệp khi người học đến học, thực hành và việc ngay tại doanh nghiệp.
Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo
Hiện nay, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Hùng, vẫn có doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức được vai trò của việc đào nghề cho người lao động nên chưa tận dụng được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, gần đây nhất là Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Long Biên (trực thuộc Tổng công ty May 10) Nguyễn Việt Hà cũng cho rằng, doanh nghiệp mong muốn có lao động chất lượng cao, thích ứng với thị trường thì cần phải có sự phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, nên nghiên cứu cấp kinh phí trực tiếp cho doanh nghiệp khi tham gia giáo dục đào tạo, để doanh nghiệp “mặn mà” hơn với hoạt động này, đồng thời giúp đơn giản hoá nhiều thủ tục.
Trên thực tế, mặc dù Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách như giảm trừ thuế, ưu đãi thuế,nhưng đến nay những chính sách hỗ trợ này chưa đến được với doanh nghiệp.
Trên cơ sở thảo luận và đóng góp ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, tập trung vào các giải pháp, như: Chính phủ ban hành danh mục ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo, mở rộng danh mục này có chứng chỉ nghề kỹ năng quốc gia. Phối hợp Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện các quy định về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề…
Leave a reply